Muốn chạy dài thì chạy cùng nhau
Nhắc đến thể thao, người ta nghĩ ngay đến bóng đá. Sức quyến rũ của môn thể thao vua này là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, từ năm 2020, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19, chạy bộ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người.
Người người chạy bộ. Cặp đôi chạy bộ. Gia đình chạy bộ. Doanh nghiệp chạy bộ… Chạy bộ là môn thể thao đơn giản, rẻ tiền nhưng mang lại vóc dáng đẹp và sức đề kháng tốt. Nhiều người đến với chạy bộ để cải thiện sức khoẻ, bứt phá giới hạn bản thân.
Có không ít người “hướng nội”, chọn chạy bộ là “tĩnh trong động” nhưng đa phần người chạy bộ (runner) đều quan niệm: “muốn chạy dài, chạy bền thì chạy cùng nhau”. Chính vì vậy, nhiều CLB, đội nhóm kêu gọi dậy sớm, tập thể dục, mà chủ yếu là chạy bộ xuất hiện ngày càng nhiều.
Chưa có một thống kê chính thức về số lượng các team, CLB chạy bộ trong cả nước nhưng có thể ước lượng đến cả vài nghìn. UpRace 2023 là sự kiện chạy bộ online lớn nhất của năm, được đông đảo các runner tham gia, ghi nhận 4.832 đội với 623.396 người tham gia. Trong đó, có 1705 đội trong bảng doanh nghiệp, 2222 đội trong bảng CLB và 905 đội trong bảng trường học.
Các CLB chạy bộ được lập ra theo các tỉnh thành (Binh Duong Running Club – BDRC, Da Nang Runners, HTR - Ha Tinh Runner…), theo nhóm tuổi (1983 Run), theo doanh nghiệp (Vietcombank Running Club, Viettel Run Club), đơn vị tổ chức sự kiện (84Race, iRace.vn, Trang An Run)… Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có số lượng CLB chạy bộ nhiều nhất. Các nhóm chạy bộ lớn trên cả nước với nhiều hoạt động thường xuyên có thể kể tên như Cộng đồng 5h30 – Vui khoẻ mỗi ngày, Hội những người thích chạy đường dài LDR, VietRunner & Friends, SRC – Sunday Running Club, Adidas Runners Saigon, VKL, Phú Mỹ Hưng Runners…
Vào năm 2022, “dị nhân” Nguyễn Văn Long là người Việt đầu tiên được ghi nhận chạy xuyên Việt từ Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh) đến Cà Mau với quãng đường 2.656km trong 34 ngày liên tục, trung bình mỗi ngày gần 80km. Đi qua địa phương nào, Long cũng được các Runners chào đón, chạy đồng hành. Sau sự kiện đó, một số địa phương cũng bắt đầu thành lập CLB theo cấp tỉnh, huyện để quy tụ những người cùng đam mê chạy bộ sinh hoạt. Số lượng thành viên có thể vài chục, vài trăm, hoặc vài nghìn người. Địa bàn sinh hoạt của các CLB thường tập trung ở các quảng trường, công viên, sân vận động…
Một số CLB chạy bộ được các cấp chính quyền công nhận hoạt động và công bố thành lập ban chủ nhiệm. Đa số còn lại chỉ là tự phát dạng hoạt động cộng đồng nhưng đều được tổ chức bài bản, có sự gắn kết cao giữa các thành viên.
Tại TPHCM, trong các khu đô thị, khu dân cư như Vạn Phúc, Phú Mỹ Hưng, Sala, Vinhome… hay chung cư, công viên (Gia Định, Nguyễn Văn Lượng – Gò Vấp) đều xuất hiện vài ba team chạy bộ. Cứ mỗi sáng, chiều, họ lại gọi nhau ra đường chạy. Màu cờ, sắc áo của những đội nhóm chạy bộ trở thành hình ảnh thân thuộc và năng động trong mắt nhiều người.
Chạy bộ là môn thể thao đơn giản. Chỉ cần đôi giày và cung đường phù hợp là có thể tham gia. Tuy nhiên, hiện có xu hướng kết thành các đội nhóm để chia sẻ những kinh nghiệm, bài tập để tránh chấn thương, cải thiện tốc độ, nhịp tim và sức bền… Đó cũng là lý do ngày xuất hiện càng nhiều các đội nhóm, CLB chạy bộ kết nối theo khu vực sinh sống/công việc. Những ngày trong tuần thì mỗi cá nhân có thể tự chạy theo khả năng, hoặc theo bài do coach, leader đưa ra và gửi kết quả online. Cuối tuần, thành viên CLB tụ họp đông đủ để thực hiện những bài chạy dài (longrun).
Chính vì phong trào tập luyện cùng nhau mà nhiều người từ đi bộ vài trăm mét đã mệt thì nay có thể chạy 21,1km (HM) – 42,195km (FM) thậm chí các cự ly ultra (siêu dài).
Không lo thiếu người chạy bộ
Trong 4 năm qua, đi kèm với việc gia tăng số lượng người đến với chạy bộ, sự ra đời của các CLB – Cộng đồng chạy bộ thì xuất hiện rất nhiều giải chạy trên khắp cả nước. Hầu như tỉnh nào cũng có các giải Marathon. Thậm chí các xã, huyện cũng tổ chức giải Half-Marathon. Hoạt động gắn kết nội bộ của một số doanh nghiệp cũng đưa nội dung chạy bộ để cán bộ nhân viên vừa có dịp thể hiện tài năng, vừa góp phần nâng cao ý thức tập thể dục, cải thiện sức khoẻ cho nhiều người. Các giải sôi động không chỉ offline mà còn được thực hiện online trên các nền tảng như Strava, UpRace, 84Race, iRace, V-Race… để giúp mọi người duy trì chạy bộ mỗi ngày chứ không kiểu “đến hẹn lại lên”.
Ngược lại, chính các giải chạy dù lớn hay nhỏ như trên góp phần thúc đẩy, tạo động lực để nhiều người tham gia và quy tụ thành các CLB.
Những năm trước, trong chương trình đi bộ đồng hành, nhiều người mặc đồng phục để di chuyển một đoạn đường ngắn kêu gọi dậy sớm, tập thể dục, sống xanh, sống khoẻ hay quyên góp từ thiện… Thậm chí, người tham gia có khi đi chỉ vì hình thức, đi tắt, cúp cua hoặc không hết cự ly. Thế nhưng, hiện nay, thay vào đó, các giải chạy dù thương mại hay cuộc thi đều gắn kết với các hoạt động cộng đồng, trích quỹ để thực hiện các chương trình xã hội như là một sứ mệnh. Còn runner thì không có chuyện xuất hiện kiểu hình thức mà luôn chạy vì màu cờ sắc áo, vượt qua chính mình.
Các giải chạy hiện nay quy tụ từ vài trăm đến vài ngàn, thậm chí như giải Ho Chi Minh City International Marathon 2023 có đến 14.000 người tham gia. Chính sự đa dạng của màu cờ sắc áo các CLB chạy bộ đã làm nên sức hấp dẫn của đường chạy. Việc duy trì tập luyện hàng ngày trong các CLB đã giúp runner hoàn thành tốt nhất các cự ly đặt ra.
Sức hấp dẫn từ các giải chạy bộ phong trào đã thu hút nhiều người tham gia, trong đó có cả những vận động viên chuyên nghiệp. VĐV tuyển điền kinh quốc gia – Phạm Thị Hồng Lệ hay nữ hoàng đi bộ Việt Nam – Nguyễn Thị Thanh Phúc cũng vừa tuyên bố ngừng ăn cơm tuyển. Họ xuất hiện ngày càng nhiều ở các giải Marathon trên khắp cả nước như VnExpress, Tiền Phong marathon... Chính sự xuất hiện của elite này đã là nguồn động lực cho các chân chạy phong trào. Các CLB cũng có nhiều hoạt động giao lưu với nhau, thay đổi cung đường chạy và mời các chân chạy chuyên nghiệp về training đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh.
Mới đây, cặp đôi VĐV Hoàng Nguyên Thanh – Hoàng Thị Ngọc Hoa đã phá kỷ lục quốc gia nội dung Marathon tại giải Standard Chartered Hong Kong Marathon - Vô địch marathon Châu Á lần thứ 19 (Hồng Kông – Trung Quốc, từ 18-22/01/2024) với thời gian 2:18:43 và 2:44:51 càng là “cú hích” không chỉ cho runner phong trào mà cả các giải chạy tại Việt Nam hứa hẹn càng sôi động.
Có một điều thú vị mà các nhà tổ chức giải chạy không sợ “ế”, đó là phong trào “tốt nghiệp” các cự ly HM, FM ngày càng nhiều. Những người đã chạy FM rồi thì chuyển qua trail nhưng vẫn còn rất đông những người đến với chạy bộ muốn chinh phục các thử thách ở cự ly 21,1 và 42,195km. Thậm chí, ngoài chinh phục cự ly thì nhiều runner còn thử thách mình ở tốc độ với sub2 HM và sub4 FM. Không ít CLB đặt tính chuyên môn lên hàng đầu nên pace, sub thể hiện thứ hạng của thành viên. Cũng nhờ sự chuyên nghiệp này nên chỉ vài năm, các giải chạy đã có đông người tham gia cự ly 42,195km và số runner đạt sub4 trên cả nước là 4.717 người.
Mặt khác, nhiều giải chạy quốc tế tại Việt Nam đã thu hút runner nước ngoài nên tăng tính cọ xát, cạnh tranh. Đồng thời, ngày càng xuất hiện nhiều runner phong trào ra nước ngoài thi đấu, điển hình như giải Standard Chartered Hong Kong Marathon, mà Hoàng Nguyên Thanh, Hoàng Thị Ngọc Hoa vừa thi đấu và phá kỷ lục. Standard Chartered Marathon Di sản Hà Nội (Standard Chartered Hanoi Marathon - Heritage Race) - giải chạy thứ 10 trong hệ thống giải Standard Chartered Marathon nổi tiếng thế giới sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 3/11/2024. Điều này sẽ góp phần mang nhiều chân chạy quốc tế đến Việt Nam và hứa hẹn cuộc đua Marathon ngày càng thú vị.
Chạy bộ - kiến tạo bản thân, kết nối cộng đồng
Phong trào chạy bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với dân số gần 100 triệu người, tương lai gần, chúng ta có thể có cộng đồng lên tới hàng triệu vận động viên. Các giải đấu có thể lên tới vài chục nghìn người tham dự (Hong Kong Marathon 50 ngàn người). Ngoài những VĐV chuyên nghiệp thì số đông còn lại là runner phong trào. Họ đến với các giải không phải để cạnh tranh thứ hạng mà là để bứt phá giới hạn, vượt qua bản thân và biết năng lực thật sự của mình ở đâu trong bản đồ chạy bộ.
Đa phần các CLB lập ra và bản thân người chạy phong trào là để duy trì thói quen dậy sớm, tập thể dục, cải thiện sức khoẻ. Có người chạy bộ để giảm cân, tạo các mối quan hệ xã hội và hơn hết là kết nối, chia sẻ. Cộng đồng 5h30 – Vui khoẻ mỗi ngày với gần 10.000 thành viên trên khắp cả nước được lập ra cũng hướng đến mục đích cao đẹp đó.
Nhờ kêu gọi mọi người dậy sớm, tập thể dục, đa phần là chạy bộ một cách thường xuyên và liên tục mỗi ngày, nhiều thành viên đã giảm ký thành công, cải thiện vóc dáng, nâng cao sức khoẻ. Ngay bản thân người viết bài này cũng từng đứt dây chằng gối, nhậu nhiều, nặng 90kg, đi vài trăm mét đã “thở không nổi” thì nay chỉ còn 75kg và vừa hoàn thành 100km tại giải Viet Nam Ultra Run. Các chỉ số về huyết áp, nhịp tim, cholesterol… được cải thiện đáng kể.
Với 2 dự án cộng đồng “Đánh thức vùng quê” và “Tour du lịch 0 đồng”, năm 2023, các 5h30 đã góp quỹ từ những chương trình chạy online để xây dựng 2 khu tập thể dục ngoài trời, xây được 1 căn nhà hạnh phúc cho giáo viên biên giới… Ngay đầu năm 2024, 5h30 đã tổ chức chương trình Kids Run Nâng bước tương lai – Giải chạy dành cho con em công đoàn viên, người lao động ở Dak Nông và ra Tết Nguyên đán là giải Half marathon “Đánh thức vùng quê Duy Hoà, Quảng Nam” lần 3 với chủ đề “Bước chạy vì những ngôi trường xanh” để quyên góp, trồng cây cho các trường học…
Tôi xin khép lại bài viết này bằng câu chuyện của một runner tên Thuỷ Tiên tại giải HCMC Marathon vào tháng 1/2024. Trong suốt race đó, Tiên đẩy một nữ runner khuyết tật đang ngồi xe lăn. Hai chị em nói đủ thứ chuyện trên đời rồi về đích lúc nào chẳng hay.
“Cảm ơn bé đã giúp chị có thêm nhiều năng lượng tích cực qua những chuyện em kể về biến cố đời mình. Chỉ cần bạn còn tinh thần yêu thể thao – chắc chắn có một ai đó sẽ đến và nguyện làm đôi chân để đồng hành cùng bạn”, Thuỷ Tiên chia sẻ.