Liên hệ
Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG VIETPRO
Địa chỉ: 80 Đường 14, KĐT Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313298472 do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 10/06/2015
Điện thoại: 093.992.00.88
Email: truyenthongcongty@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Thu Hà
Giấy phép thiết lập Mạng xã hội số 257/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/06/2020
Linh Linh
17/05/2023 14:42

Chạy đua ở các giải chạy

Sự bùng nổ của các giải chạy ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây tạo nên cảm giác rằng hoạt động thể thao này đang mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho nhà tổ chức. Tuy nhiên, trong một bài chia sẻ của Tạp chí Forbes Việt Nam, bản in số 117, chuyên đề “Đầu tư cho thể thao” đã chỉ ra một thực tế rất khác.

4 giờ chiều ngày 22.4, trong cái nắng còn chói chang của TP.HCM, sau hiệu lệnh của ban tổ chức, hàng trăm em nhỏ ào chạy từ vạch xuất phát trên đường Tân Trào, quận 7, TP.HCM. Đường chạy dài 1,5km đi qua đường Tân Trào, vòng qua C – Bắc sang Trần Văn Trà này dành riêng cho các vận động viên nhí chạy cùng ba mẹ, mở màn cho giải chạy Lazada Run.

Để có một suất chạy kèm con, mỗi phụ huynh đã chi ra 550 ngàn đồng để mua Bib (được hiểu là số báo danh nhằm phân loại cự ly thi đấu và theo dõi kết quả). Các cự ly 5km, 10km và 21km được tổ chức vào sáng sớm hôm sau.

Đây là lần đầu tiên sàn thương mại điện tử này tổ chức giải chạy tại Đông Nam Á và Việt Nam là quốc gia “nổ phát súng” mở màn, sau đó tới Philippines, Thái Lan… Mỗi quốc gia sẽ chọn bốn vận động viên có thành tích tốt nhất ở cự ly bán marathon, 21km để tham dự chung kết tại Singapore.

Lazada Run, thu hút 9.000 người tham dự, theo số liệu của ban tổ chức chỉ là một trong ba giải chạy diễn ra trong dịp cuối tuần trước kỳ nghỉ lễ dài 30.4 và 1.5 tại Đông Nam Bộ, cùng với OneWay marathon Vung Tau tại Bà Rịa – Vũng Tàu và marathon Ba Den Mountain tại Tây Ninh. Trước đó, giải Sonkim Thu Duc City Run dự kiến diễn ra cùng ngày đã thông báo hoãn lại đến đầu tháng 9.2023.

Một tuần trước đó, giải VnExpress Marathon Imperial Hue thu hút 10.500 người tham dự cũng đã diễn ra. Xa hơn, giải chạy online BIDV Run cũng khởi động bằng buổi chạy trực tiếp tại khu đô thị Sala, TP.HCM với hơn 2.500 người tham gia. Tuần đầu tiên của tháng tư, ở phía Bắc có giải Cuc Phuong Jungle Paths chạy xuyên rừng quốc gia Cúc Phương qua ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Trong tháng ba, cũng có hàng loạt giải chạy lớn nhỏ, từ Dalat Ultra Trail 2023 với cự ly lớn nhất lên tới 85km tại Lâm Đồng, Ultra ASIA Race 2023 – cuộc đua dài 160km trong bốn ngày tại Mai Châu, Hòa Bình đến giải chạy báo Tiền Phong tại Lai Châu thu hút 4.000 vận động viên… Tính từ đầu năm đến nay, có gần 20 giải chạy lớn đã diễn ra, chưa kể các giải nội bộ doanh nghiệp, hội nhóm…

“Chúng tôi dự kiến tổ chức giải vào giữa tháng tư nhưng trùng với giải chạy tại miền Trung nên lùi một tuần. Dời ngày xong lại phải cạnh tranh địa điểm với một giải khác, cũng quyết tâm theo thầu nhưng cuối cùng… thua,” thành viên ban tổ chức của một giải chạy xin được giấu tên chia sẻ với Forbes Việt Nam về lần đầu tiên tổ chức giải chạy.

Tổng cục Thể dục Thể thao ghi nhận trong 10 năm gần đây, mỗi năm có 60 giải chạy được tổ chức tại Việt Nam, thu hút hàng ngàn vận động viên trong nước lẫn quốc tế tham dự. Quy mô của các giải chạy rất đa dạng, từ cấp câu lạc bộ, địa phương đến quốc gia, từ bán chuyên đến chuyên nghiệp. Chạy bộ được đánh giá trở thành một trong những môn thể thao “quốc dân”.

Trừ các giải chạy phong trào người chạy được mời, thậm chí tặng tiền, các giải chạy tổ chức chuyên nghiệp đều đã thực hiện bán Bib cho người tham dự. Giải chạy HCMC Marathon do Pulse Active tổ chức được xem là giải chạy đầu tiên ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp. Giá Bib cho các cự ly chạy 3km, 5km hay 10km phổ biến từ vài trăm ngàn đồng đến dưới một triệu đồng, trong khi các cự ly dài từ 21km trở lên ở mức tiền triệu. Tuy nhiên, các nhà tổ chức đều có chính sách chiết khấu, có thể lên tới 30–40% giá niêm yết cho người tham dự khi mua Bib sớm, theo nhóm.


Giải chạy tại Huế do báo VnExpress tổ chức tháng 4.2023. Ảnh: VM

Giải VPBank Hanoi International Marathon diễn ra vào tháng mười tới vừa gây chú ý cộng đồng chạy bộ với 3.000 Bib mở bán sớm vào tháng ba có giá chỉ 99.000 đồng. Người chạy (runner) sẽ được trang bị những vật dụng cơ bản như áo, nón (racekit). Một số giải chạy cũng cố gắng làm đầy túi racekit với đồ ăn, thức uống, mỹ phẩm… như một cách thu hút người tham gia.

“Năm 2022 là năm bùng nổ các giải chạy sau hai năm dịch,” chị Trang Dương, một runner sống tại TP.HCM nhận xét. Chị Trang từng một lần chạy giải Dalat Utral Trail, hai lần tham gia HCMC Marathon và VnExpress Marathon Imperial Hue cự ly 21km, luôn mua được Bib với giá giảm 20–30% nhờ đăng ký sớm cùng nhóm. Theo chị Trang, việc có rất nhiều giải chạy được tổ chức liên tục, thậm chí một tuần có hai – ba giải cùng diễn ra, đã giúp các runner đam mê chạy có nhiều lựa chọn.

Yếu tố quan trọng nhất quyết định là mức độ chuyên nghiệp của giải, thể hiện ở công tác tổ chức, đón tiếp, cung đường (sạch sẽ, bằng phẳng, đảm bảo an toàn hoặc mới lạ). Kế đến là giá Bib cũng như các chi phí cho di chuyển, khách sạn. “Các giải của VnExpress khá ổn vì giá Bib rẻ hơn nhiều giải cùng cự ly, tổ chức chuyên nghiệp với cả mười ngàn người tham dự,” chị Trang nhận xét và cho rằng, các giải chạy đang là mô hình kinh doanh có hiệu quả, bằng chứng là thu hút được nhiều nhà tài trợ, bán được Bib số lượng lớn và đang diễn ra khắp nơi.

Thông thường, cơ cấu vận hành của một giải chạy sẽ là: nhà tổ chức lo tất cả các vấn đề liên quan để có được giải chạy, người tham gia và đơn vị vận hành chuyên nghiệp thực hiện tất cả các công việc kỹ thuật như làm đường, đo lường kết quả…  Tất nhiên vẫn có những nhà tổ chức sẵn có bộ phận vận hành, thực hiện mọi công đoạn. Trên thị trường hiện tại có nhiều đơn vị vận hành giải chạy như Sunrise (chuyên thực hiện các giải Techcombank); Pulse Active (giải HCMC) hay Race (giải Long Bien)…

Phổ biến hiện nay là các giải chạy do một đơn vị, như cơ quan truyền thông hoặc doanh nghiệp phối hợp với tỉnh thành tổ chức, ví dụ như marathon quốc tế TP.HCM Techcombank, marathon quốc tế Hà Nội VPBank, VnExpress Marathon Quy Nhơn, VnExpress Marathon Hải Phòng… Trong đó, giải của Techcombank vào dịp cuối năm đã tổ chức được sáu mùa tại TP.HCM và đã mở rộng ra Hà Nội từ 2022, là mô hình hợp tác giữa ngân hàng với ủy ban nhân dân TP.HCM và Hà Nội.

Mỗi giải chạy, có đến 26 đơn vị, là các sở, ban ngành thực hiện phối hợp, theo đại diện Techcombank. Trong khi đó, báo điện tử VnExpress hiện đã có hàng loạt giải chạy tại các tỉnh thành với mục tiêu kích cầu du lịch như Quảng Ninh, Huế, Bình Định, Khánh Hòa…

Cùng đứng tên trên giải chạy nên cả hai phía đều có những trách nhiệm: doanh nghiệp lo khâu tổ chức, kinh phí vận hành, trong khi đó chính quyền sẽ hỗ trợ tất cả các việc liên quan đến bố trí khu vực, đường chạy, phân công lực lượng an ninh, y tế… Các giải chạy mang tên riêng của đơn vị tổ chức, thường là theo tên doanh nghiệp hoặc theo địa danh, vẫn cần cơ chế phối hợp với cơ quan chuyên môn (như liên đoàn điền kinh) và tự lo các phần hậu cần liên quan.

Chị M.L. (đề nghị giấu tên), người từng làm trưởng nhóm tổ chức của một giải chạy lớn có thâm niên hơn năm năm cho biết, kinh phí tổ chức một giải chạy có 10 ngàn người tham gia bên chị từng làm là 18 tỉ đồng. Trong đó, 70–80% ngân sách dành cho đường chạy; những chi phí cố định như thuê đường (dao động từ 1–3 tỉ đồng cho hai ngày) rào chắn đường, hệ thống tính giờ, công tác bảo đảm an ninh, điểm y tế, nhân sự hỗ trợ…, chưa kể những khoản không chính thức để có thể tổ chức được giải chạy trong bối cảnh cạnh tranh.

Các giải trail (chạy địa hình trong rừng, đồi núi xa khu dân cư) chi phí này sẽ thấp hơn vì không cần rào chắn, cấm đường. Đây là những thứ “người chạy không nhìn thấy” như racekit nhưng thể hiện sự chuyên nghiệp của giải chạy. Với những người chạy chuyên, đường chạy phải đạt quy chuẩn của hiệp hội Marathon Quốc tế (AIMS), liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) để họ có thể sử dụng kết quả cho giải Vô địch Thế giới theo độ tuổi của Abbott World Marathon Majors, tổ chức quốc tế sở hữu sáu giải chạy marathon gồm New York marathon, Chicago marathon, London marathon, Boston marathon, Tokyo marathon và Berlin marathon.


Phong trào luyện tập thể dục thể thao, trong đó có chạy bộ phát triển trong các năm qua, cùng với các giải chạy. Ảnh: VM

Phần còn lại dành cho công tác tổ chức như truyền thông, tiếp đón vận động viên, sân khấu, quay phim, chụp hình, túi racekit, huân chương cho người tham gia. Chưa kể, mỗi giải thường mời hàng chục, thậm chí hàng trăm elite (những runner luôn đạt thành tích cao) tham gia và trả tiền 3-4 triệu đồng/người.

“Thông thường, nhà tổ chức sẽ chi cho mỗi người chạy tối thiểu 450 ngàn đồng,” chị M.L. nói, trong đó phần cho đường sá tối thiểu 300 ngàn đồng, áo chạy khoảng 90 ngàn đồng, huy chương đặt tại Trung Quốc giá 30 ngàn đồng, bằng với mức dành cho nước, chất điện giải.

Nguồn thu của các giải chạy, ngoài tiền bán Bib, còn có tài trợ của doanh nghiệp bằng tiền mặt hoặc bằng sản phẩm. “Chúng tôi ghi nhận lời 5% sau mỗi giải chạy nhưng đó là chưa tính cả phần lương cho nhân sự, trả quyền lợi cho nhà tài trợ trên truyền thông,” chị M.L. nói và cho rằng, con số này là quá thấp cho những công sức bỏ ra.

Hà Duy, sáng lập và điều hành Race Vietnam, đơn vị cung cấp gói dịch vụ của các giải chạy, nhà tổ chức của giải Long Bien marathon thừa nhận, hiện tại, các giải chạy lớn có số lượng vận động viên đông đảo nhưng số tiền thu không đủ bù chi. Các nhà tài trợ thường không có tiền mặt nên nhà tổ chức đều phải lấy các mảng kinh doanh khác bù vào. Theo Duy, giải chạy là mô hình kinh doanh tiềm năng, nhưng không hiệu quả với tất cả các đơn vị tổ chức. “Chỉ khi nào giải chạy có quy mô 20–50 ngàn người thì mới có hiệu quả. Hiện tại, lãi vẫn phải phụ thuộc chính vào nhà tài trợ,” Duy nói.

Các giải chạy bùng nổ cũng được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc vận động viên và người thân kết hợp du lịch tại địa điểm chạy, các ngành liên quan như trang phục, giày dép; dinh dưỡng; luyện tập hay dịch vụ phục hồi, chữa trị chấn thương… hoặc các ngành phụ trợ sản xuất vật liệu, sản phẩm phục vụ các giải chạy hay phần mềm tính giờ… cùng phát triển.

Tại Mỹ và Trung Quốc, thể thao được coi như một ngành kinh tế với đóng góp 5–10% GDP quốc gia. Tại Việt Nam, theo chị M.L., hệ sinh thái này chưa thể phát triển khi số lượng người chạy thực sự ở mức 10–12 ngàn. “Đến cái huy chương cho vận động viên cũng phải đặt từ Trung Quốc mới có giá 30 ngàn đồng. Việt Nam chưa đủ năng lực sản xuất số lượng lớn và có giá tốt,” chị M.L. dẫn chứng.

Năm 2023, số lượng các giải chạy đã lên lịch, bán Bib khoảng trên 30. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn là nhân tố tác động tiêu cực đến các giải chạy. Bởi lẽ, các nhà tài trợ chịu chi và thường chi bằng tiền mặt như doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó, thậm chí có đơn vị vẫn nợ tiền ban tổ chức.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thường tài trợ bằng sản phẩm, cũng đang cắt giảm các chi phí tiếp thị, quảng cáo khi sức mua sụt giảm. Người chạy, những người mang lại một phần nguồn thu, lại đang cân nhắc kỹ về khoản chi mua Bib, di chuyển, ăn ở với các giải chạy ngoài nơi sinh sống.

“Đã có một số dấu hiệu cho thấy các nhà tổ chức giảm nhiệt với giải chạy. Vì vậy, để ngành này thực sự phát triển lành mạnh, tránh được những gãy đổ khi có tác động bên ngoài, các nhà tổ chức nên ngồi xuống cùng nhau đưa ra các tiêu chuẩn, nguyên tắc,” chị M.L. nêu ý kiến.

Nguồn: Tạp chí Forbes Việt Nam

   
0 bình luận     0 lượt thích

Thành viên mới