Liên hệ
Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG VIETPRO
Địa chỉ: 80 Đường 14, KĐT Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313298472 do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 10/06/2015
Điện thoại: 093.992.00.88
Email: truyenthongcongty@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Thu Hà
Giấy phép thiết lập Mạng xã hội số 257/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/06/2020
Sơn Hà Sơn Hà
03/12/2020 21:25

Bản làng ở miền Tây Nghệ An: Đưa tiêu chí “trẻ không bỏ học” vào hương ước

Cùng với các quy định  như: Không ma túy, tệ nạn xã hội, trộm cắp…, các bản làng được xây dựng với môi trường ngày càng văn minh, an toàn và trẻ em đến tuổi được đi học đầy đủ.

Quyết định của già làng  

Cách đây 30 năm, ông Vừ Tồng Mà (sinh năm 1957) là xã đội trưởng xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) – vùng đất của cây Pơ mu, samu chiếm phần lớn là rừng phòng hộ. Trong khi đó, bản làng ngày một đông dân cư, những ngôi nhà đã quây quần kín dưới đỉnh núi. Một hôm, ông Mà dắt theo con dao sau lưng, rồi vượt núi đi tìm vùng đất mới. Xuôi xuống 50 km, tìm đến vùng đất Lưu Kiền (huyện Tương Dương). “Ở đây, đất đai bằng phẳng, rộng rãi hơn, gần khe Kiền nên có nguồn nước, lại cách đường quốc lộ 7 chỉ hơn 50km, tôi nghĩ lập bản mới ở đây là phù hợp”, ông Vừ Tồng Mà kể.

Nghĩ là làm, ông trở về Tây Sơn, kể với anh em, hàng xóm về vùng đất mới tìm được. Mọi người nhất trí rời bản cũ. Với người Mông, di cư không phải là điều quá mới mẻ. Ông Vừ Tổng Mà lên xã, huyện nộp đơn xin được di dân. Thời điểm đó, các huyện đang khuyến khích người dân khai hoang, lập bản, định cư nên đồng ý với nguyện vọng của ông Mà. Vậy là 5 hộ gồm gia đình ông Mà và anh trai, cùng với 3 nhà hàng xóm quyết định xuống xã Lưu Kiền, trở thành những hộ đầu tiên lập nên bản Lưu Thông.

Hương ước ở Lưu Thông

Người Mông ở bản Lưu Thông rất cần mẫn, chăm chỉ phát nương, làm rẫy. Nhưng việc học hành ở nơi đây vẫn bị coi là thứ yếu, xếp sau nỗi lo cái ăn, cái mặc. Hơn nữa, việc học cũng thường chỉ dành cho con trai, biết chữ là đủ. Con gái thì không được cho đi học, ở nhà theo bố mẹ đi làm, đến năm 13 – 14 tuổi về nhà chồng. Sau này, các thầy cô giáo đầu năm học mới lại lên tận rẫy, nói chuyện, vận động phụ huynh cho con cái đi học. Bà con nể thầy cô, cũng gật đầu, tình hình được cải thiện hơn, nhưng HS bỏ học giữa chừng vẫn nhiều. Nhất là khi lên THCS, kiến thức khó, nhiều em chán học, mà cái tuổi thì là lúc lấy vợ lấy chồng theo tập tục của người Mông xưa.

HS Phà Lõm đến trường buổi tối theo Tiếng trống học bài và được cô giáo phụ đạo.

Thấy vậy, già làng Vừ Tồng Mà bổ sung vào hương ước quy định mới: Không được để con cái bỏ học giữa chừng, nữ ít nhất phải học hết lớp 9, nam phải hết lớp 12. “Ngoài xây dựng cuộc sống văn minh hơn, từ bỏ tệ nạn, hủ tục trong bản làng, bọn trẻ con phải đi học đến nơi đến chốn…”, ông Mà nói với bà con. Nghe có lý, dân bản đồng lòng ủng hộ. Hương ước quy định, ai vi phạm sẽ bị đưa ra cộng đồng kiểm điểm, tái phạm sẽ bị phạt tiền.

Hơn 30 năm sau ngày lập bản, Lưu Thông hiện có 58 nóc nhà với gần 300 người, nhưng không ai dính đến ma túy, phá rừng, hoặc trộm cắp. Đặc biệt, không có tình trạng HS bỏ học giữa chừng, có 10 con em thành cán bộ, GV, công an…

Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Lưu Kiền nói: “Bản Lưu Thông là một điển hình về xây dựng đời sống văn hóa và phong trào học tập”.

Đổi thay ở rẻo cao 

Huồi Mới (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) có hơn 80 nóc nhà ngói lợp samu, chia thành cụm Huồi Mới 1 và 2. Sóng điện thoại yếu, không điện, không chợ, giao thông chỉ là lối mòn mà bà con người Mông ở đây vẫn gọi là “đường cho ngựa đi”. Nhưng ở nơi biệt lập này, “100% trẻ trong độ tuổi đều đến trường”, trưởng bản Và Bá Thái khẳng định.

Mặc dù bản chưa có hương ước, nhưng bà con thảo luận, thống nhất không để con cái bỏ học giữa chừng. “Mục đích để các cháu biết chữ, hiểu biết. Việc học ở đây nhờ hết vào các thầy, vào nhà trường. Các thầy vất vả vượt núi lên Huồi Mới cắm bản dạy học, thì bà con cũng phải ủng hộ, không bắt con lên rẫy nữa, mà để ở nhà đi học. Nếu vi phạm bị phạt 10 – 20 nghìn thôi, vì người dân còn nghèo, nhưng hầu như chưa ai phải nộp phạt. Người Mông có tính tự trọng cao, đã thống nhất, hứa rồi thì không làm trái, không vi phạm” trưởng bản Và Bá Thái cho biết.

Trưởng bản còn có một cuốn sổ, ghi chép lại đầy đủ các sự kiện diễn ra hằng ngày trong bản. Từ việc con trâu đi lạc, con gà bị mất hay có ai lạ ra vào bản. Nếu nhà trường báo có HS nghỉ học, trưởng bản cũng ghi lại để đến nói chuyện với gia đình, tìm hiểu lý do.

Thầy Thò Bá Sinh là người đầu tiên của bản Huồi Mới, theo sự học rồi trở về làm thầy giáo dạy học, nay thành Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 so sánh: “Bây giờ trẻ con không bỏ học giữa chừng nữa, chỉ thỉnh thoảng có một số em nghỉ học, vì theo bố mẹ lên rẫy chưa về kịp. Những lúc ấy, bố mẹ đều tìm cách nhờ người báo với nhà trường. Sau đó sắp xếp công việc để đưa con về đi học. Tuy chất lượng học tập chưa thể bằng các xã thuận lợi hơn, nhưng các cháu ngoan ngoãn, thích đến trường là một tiến bộ lớn ở Huồi Mới”.

Tiếng trống học bài vùng biên

HS ở bản Huồi Mới đến trường.

Ở một đỉnh núi khác là Phà Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) – nơi sinh sống lâu đời của cụm dân cư người Mông sát biên giới Lào. Nhiều năm liên tục, tỷ lệ trẻ huy động đến trường đều tối đa. Không chỉ vậy, mỗi buổi tối, bố mẹ còn đưa con cái đến trường tham gia “Tiếng trống học bài”.

Già Xồng Vả Dềnh – Trưởng bản Phà Lõm thừa nhận: Trước đây, người dân quan niệm con gái thì cần gì phải học. Số trẻ đến trường ít, bỏ học nhiều. Sau này, thầy cô, bộ đội biên phòng vận động nhiều, nên dân bản cũng ý thức được tầm quan trọng của việc học, đều cho trẻ đến trường. “Bản có 111 hộ, 585 nhân khẩu thì có tới 43 hộ nghèo. Bố mẹ đi rẫy cả ngày, tối về bản thấy con đang ở trường được các thầy, cô cho ăn, dạy thêm buổi tối, đến tận nhà giao bài tập, thì mừng lắm. Giờ phong trào học tập đi lên, ở bản giờ đã có cháu học xong ĐH, CĐ…”, già Xồng Vả Dềnh nói.

Ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: Nhiều bản làng đã đưa quy định về việc học vào trong hương ước. Đây là tín hiệu mừng, chứng tỏ nhận thức của bà con, sự quan tâm đến việc học của con cái có nhiều chuyển biến tích cực. Nhất là ở các bản người Mông, tính kỷ luật và tuân thủ theo hương ước của bà con rất cao. Phòng GD&ĐT phát động trở lại phong trào Tiếng trống học bài ở bản vào buổi tối. Tiếng trống như một sự nhắc nhở hằng ngày. Đến thời điểm đó, mọi người dừng hết mọi công việc, kể cả xem tivi, để dành không gian cho con học bài.

“Ở miền núi, giáo dục và sự phối hợp giữa nhà trường với địa phương, phụ huynh cần phải linh hoạt và vận dụng theo tập tục, đặc trưng văn hóa, lối sống của dân bản là vậy”, ông Kha Văn Lập chia sẻ.

Nhờ đưa quy định không để trẻ bỏ học giữa chừng vào hương ước ở các bản làng, dân bản và HS từ nhỏ hình thành nếp sống và kỷ cương. Sự phối hợp giữa nhà trường, các thôn bản và phụ huynh nhờ đó cũng thuận lợi hơn. Điều này được thể hiện trong năm học vừa qua, khi HS nghỉ học 3 tháng phòng Covid-19, nhưng các em ở bản vẫn học tập tích cực và trở lại trường đi học đầy đủ sau dịch. Cô Nguyễn Thị Nhung 
   
0 bình luận     0 lượt thích

Thành viên mới