Nếu bạn còn băn khoăn chưa biết làm gì trong ngày Tết cổ truyền này, hãy tham khảo ngay những điều đơn giản mà ai cũng có thể làm dưới đây nhé!
1. Tự làm bánh Trung thu
Dịp Tết Trung thu đang đến gần nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên cả nước khiến nhiều khu vực phải giãn cách xã hội và Chính phủ cũng kêu gọi người dân ở nhà. Vậy Trung thu ở nhà làm gì cho đỡ phí thời gian và bớt buồn chán? Hãy thử tự làm bánh Trung thu.
Nếu bạn không biết cách làm bánh ngon hay không biết chuẩn bị những nguyên liệu, dụng cụ gì thì có thể mua những set nguyên liệu làm bánh nướng, bánh dẻo có sẵn. Mức giá khoảng 60.000 – 220.000 đồng/set gồm bột bánh, nhân bánh,… kèm theo công thức hướng dẫn chi tiết. Khuôn bánh thì có nhiều loại, tùy kích cỡ, chất liệu, hoa văn, dao động từ 40.000 – hơn 100.000 đồng/cái.
Bạn có thể tự tay nhào bột, nặn nhân, tạo hình trong các khuôn có sẵn hoặc sáng tạo thành những hình dáng theo sở thích của mình. Tự làm bánh Trung thu sẽ giúp bạn có thêm trải nghiệm và hiểu về ý nghĩa của món bánh truyền thống này.
2. Trang trí mâm cỗ trông trăng
Mâm cỗ trông trăng thường không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết Trung thu. Hãy cùng cả nhà trang trí một mâm cỗ thật đầy đủ với chú chó bông hay thỏ bông được kết bằng những tép bưởi, các loại trái cây theo mùa, bánh nướng, bánh dẻo,… Bày biện thêm một số đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn lồng, đầu lân, mặt nạ,…
3. Sáng tạo những món đồ chơi độc lạ
Bạn đã từng nghĩ có thể làm đèn lồng từ chai nhựa, giấy màu, gáo dừa hay thậm chí là phần vỏ bưởi vừa tách khi trang trí mâm ngũ quả chưa? Bạn chỉ cần một chút khéo léo và sáng tạo là đã có ngay một chiếc đèn lồng độc lạ rồi.
• Bước 1: Dùng dao nhọn để cắt tỉa những hình thú trang trí lên phần cùi xanh của quả bưởi. Nếu có nhiều thời gian, hãy phơi khô vỏ khoảng nửa ngày để khi cầm đèn lồng bớt nặng.
• Bước 2: Dùng dây buộc đèn lồng và đặt nến vào trong quả bưởi.
Điểm đặc biệt của chiếc đèn lồng vỏ bưởi này là khi thắp nến, ngọn lửa sẽ làm nóng quả bưởi và khiến tinh dầu bưởi tỏa ra rất dễ chịu.
Bên cạnh làm đèn lồng, bạn cũng có thể mua thêm phôi mặt nạ bằng giấy bồi để có thể tự tô, vẽ, trang trí. Hoặc mua một số đồ chơi truyền thống khác như trống ếch, trống lắc, đầu lân,… để đêm trung thu thêm phần rộn ràng
4. Tổ chức trò chơi
Không thể ra ngoài dạo phố hay tới các khu trung tâm thương mại vui chơi, thì bạn có thể đổi gió bằng cách tổ chức các trò chơi như cờ tỷ phú, mèo nổ, ma sói hay bài Uno.
Những Board game chắc chắn sẽ khiến gia đình tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Chúng có tính suy luận và tư duy logic nên vừa giải trí, vừa tăng tương tác giữa mọi người. Ngoài ra, vừa chơi, vừa nhâm nhi miếng bánh, miếng trái cây, trò chuyện rôm rả, giết thời gian rất tốt đấy!
5. Dành thời gian gắn kết các thành viên trong gia đình
Đã bao lâu rồi bạn chưa có một ngày trọn vẹn dành cho gia đình? Trước dịch ai cũng hối hả, người đi học, người đi làm, chẳng có thời gian trò chuyện cùng nhau. Có chăng thì chỉ gặp mặt qua bữa cơm tối thôi.
Khi giãn cách xã hội và hạn chế ra ngoài đường, mọi người ở nhà 24/24, khó tránh cảm giác buồn chán, thậm chí là lo lắng, hoang mang. Vì thế việc hỏi han, động viên nhau sẽ giúp xóa bỏ áp lực khi phải ở nhà trong một khoảng thời gian dài. Và Trung thu chính là cơ hội để gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau như chính ý nghĩa đoàn viên mà ngày Tết này mang lại.
Bạn có thể cùng bố mẹ nấu ăn, bày mâm ngũ quả, dành thời gian quây quần bên nhau, ngắm trăng, ăn bánh, uống trà, chia sẻ tâm tư,… Hoặc có thể gọi video call với họ hàng và tổ chức những bữa tiệc ảo như trên Messenger Rooms để cùng chia sẻ yêu thương. Điều này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và các thành viên cũng hiểu nhau hơn.
Nguồn: VinID