Tôi là bác sĩ. Tôi cũng là một người chạy bộ. Và tôi viết bài này không để biện minh, không để thanh minh. Tôi viết để làm rõ: chạy bộ không giết ai cả. Nhưng sự thiếu hiểu biết và thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng – có thể giết người.
KHI NHỮNG BÀN CHÂN DẪN LỐI ĐẾN SỰ NGUY HIỂM
Tỷ lệ đột quỵ hay ngừng tim trong thể thao sức bền là cực kỳ thấp, nhưng không phải bằng 0. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền tiềm ẩn hoặc mang yếu tố di truyền mà chưa được phát hiện – chính là nhóm nguy cơ cao nhất.
Trong các nguyên nhân gây đột tử khi vận động gắng sức, phổ biến nhất là các bệnh lý tim mạch như:
Bệnh cơ tim phì đại
Bất thường mạch vành
Rối loạn nhịp thất
Hội chứng Brugada
Viêm cơ tim cấp, phình động mạch chủ do hội chứng Marfan
Các rối loạn điện học do gen như hội chứng QT dài/ngắn
Nghiêm trọng hơn, có hơn 10% các trường hợp ngừng tim đột ngột không tìm thấy tổn thương cấu trúc nào rõ ràng, mà nguyên nhân có thể đến từ những bất thường về gen vẫn chưa được y học chạm tới hết.
Điều này đồng nghĩa: có những người tưởng như hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt lành mạnh, vẫn có thể gặp sự cố nếu không được tầm soát kỹ càng. Và thể thao, thay vì là nơi chữa lành, đôi khi lại vô tình là chất xúc tác đẩy họ đến giới hạn nguy hiểm.
NHƯNG LIỆU CHÚNG TA CÓ NÊN NGỪNG CHẠY?
Câu trả lời là không.
Nỗi sợ sau mỗi sự cố như thế này là điều tự nhiên. Nhưng chúng ta không thể vì sợ rủi ro mà từ bỏ những giá trị tốt đẹp của thể thao. Y học có một thuật ngữ gọi là kinesiophobia – nỗi sợ vận động xuất phát từ ám ảnh chấn thương hoặc những rủi ro tiềm ẩn. Nó khiến người ta từ chối cả những hành động tốt cho sức khỏe chỉ vì "sợ".
Thay vì sợ, hãy hiểu. Hãy chuẩn bị. Hãy tôn trọng giới hạn của chính mình.
Tầm soát định kỳ: Siêu âm tim, ECG, đo huyết áp, xét nghiệm mỡ máu, kiểm tra men tim… không chỉ dành cho người bệnh. Mọi vận động viên – dù chuyên hay phong trào – đều nên kiểm tra mỗi 6–12 tháng.
Tập luyện có chiến lược: Từ nhẹ đến nặng, từ chậm đến nhanh. Đừng vì phong trào mà ép cơ thể chưa sẵn sàng. Đừng để thành tích che lấp những tín hiệu cảnh báo như tức ngực, chóng mặt, buồn nôn hay tim đập loạn.
Đừng tập một mình ở nơi hoang vắng. Và nếu bạn lớn tuổi, hoặc có bệnh nền – hãy tập cùng nhóm, hoặc nơi có hỗ trợ y tế. Đừng chủ quan.
Lắng nghe cơ thể: Không có thiết bị y tế nào bằng cơ thể của chính bạn. Hãy tin vào nó khi nó nói "Tôi mệt", "Tôi cần nghỉ", "Tôi không ổn".
CHỊ ẤY KHÔNG CHẾT VÌ CHẠY
Chị không chết vì chạy bộ. Chị chết vì điều mà hàng nghìn người khác cũng có thể đang mang trong người – những nguy cơ tiềm ẩn chưa được biết tới. Và sự ra đi của chị không đáng bị phán xét, càng không đáng bị mỉa mai.
Chị có thể là một người mẹ. Là một người bạn. Là một người phụ nữ đã chọn sống trọn từng khoảnh khắc, chọn bước ra đường vào một sáng sớm ở Huế để chạy cùng hàng nghìn người khác – không phải để hơn ai, mà chỉ để sống một cách đầy đủ hơn.
Nếu chúng ta không thể chia sẻ, ít nhất đừng độc miệng. Nếu chúng ta không hiểu rõ, ít nhất hãy im lặng. Cái chết của một người không bao giờ là điều để mỉa mai.
Là bác sĩ, tôi không cổ vũ bạn chạy bất chấp. Nhưng tôi cũng không bao giờ khuyên bạn từ bỏ thể thao chỉ vì rủi ro. Điều tôi luôn nhấn mạnh là: chạy để sống chứ không phải để chết. Chạy với hiểu biết, với sự lắng nghe, và với sự khiêm nhường trước giới hạn của bản thân.
Và với những ai từng vấp ngã hay tổn thương vì những lời cay nghiệt sau một sự cố: hãy nhớ, bạn không đơn độc. Cộng đồng chạy bộ chân chính sẽ luôn đứng về phía bạn – vì chúng tôi hiểu rằng:
GIÁ TRỊ CỦA MỘT BƯỚC CHẠY KHÔNG NẰM Ở VIỆC BẠN ĐI NHANH ĐẾN ĐÂU, MÀ LÀ BẠN ĐI VỚI TRÁI TIM THẾ NÀO.
(Góc nhìn của một bác sĩ chạy bộ)
Theo: Dr Phương