Liên hệ
Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG VIETPRO
Địa chỉ: 80 Đường 14, KĐT Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313298472 do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 10/06/2015
Điện thoại: 093.992.00.88
Email: truyenthongcongty@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Thu Hà
Giấy phép thiết lập Mạng xã hội số 257/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/06/2020
Duy Trường Duy Trường
20/11/2021 10:22

Đại dịch Covid-19 nỗi đau mãi còn với người ở lại …

Cơn bão Covid 19 vẫn còn chưa dứt, Sài Gòn yêu thương đang dần khôi phục nhưng những kí ức của những ngày tháng qua không thể xoá nhoà trong tâm trí những người nơi vùng tâm dịch nói riêng và người dân cả nước nói chung…Đau thương sẽ mãi còn với người ở lại…!


Giờ đây thành phố đã mở cửa, không còn hàng quán dây giăng nhưng người người, nhà nhà vẫn chưa thể quay về với nhịp sống như ngày nào. Tất cả giờ đây dường như đang chững lại, tâm hồn lắng đọng, có khi đâu đó ta bắt gặp những tiếng thở dài, những giọt nước mắt chực rơi, có ai đó đang tự mình kìm nén, gặm nhấm những chát chua, mặn đắng ở bờ môi, cay xè ở khoé mắt, uất nghẹn trong lồng ngực, đau buốt tận đáy tâm hồn. Ai cũng phải gắng gượng, dù muốn hay không cũng phải tự an ủi, tự chữa lành những vết thương đau, nghẹt thở bởi những gì đại dịch Covid-19 mang lại. Bỏ lại sau lưng những ánh đèn màu phố thị, bỏ lại tiếng rao đêm giữa lòng thành phố của những còn người nặng gánh mưu sinh…

Dịch covid 19 như một kẻ thù vô hình, đã cướp đi những người cha, người mẹ của những đứa con thơ đang khát sữa, những em bé đang đói lả người nằm trong căn phòng trọ chật hẹp, bên cạnh là cha mẹ chúng đang từng cơn ngộp thở vì bệnh tình trở nặng, họ bất lực nhìn lũ con thơ tội nghiệp đang cần cứu đói.


Không chỉ với Sài Gòn mà ở đâu đó khắp các tỉnh thành vẫn hiện hữu những đau thương ngất trời: những đứa trẻ lên bốn, lên năm trông ngóng ngày ba mẹ trở về như đã hứa trước khi ba mẹ chúng vào khu cách li. Những người vợ mất chồng, chồng mất vợ gào khóc xé tan phố phường vắng lặng trong ngày phong toả… Thảm cảnh dâng cao, nỗi khổ lên đến cùng cực, những gia đình có người thân mất do Covid-19 họ không biết phải làm gì trước tình cảnh lúc ấy, họ chỉ biết kêu cứu và chờ đợi các đội mai táng đến đưa thi thể người thân mình đi và tiếp tục ngóng trông tro cốt của người thân được trở về trong tím tái cõi lòng …

Còn với những người con xa xứ, họ ở lại Sài Gòn với một niềm tin là đại dịch sẽ được khống chế như những lần trước, lòng dặn lòng Sài Gòn sẽ khoẻ lại nhanh thôi. Rồi mai này sẽ lại được ra đường bám víu mưu sinh như họ từng dứt bước rời quê đến chốn Sài Thành phồn hoa náo nhiệt mong làm việc tích lũy chút tiền để cuộc sống sau này bớt vất vả hơn.

Niềm mong mỏi của những kẻ ly hương là luôn muốn quay về bên đất mẹ khi mỏi gối chùng chân. Và hành trình vạn dặm về quê bắt đầu từ đó, những cuộc di dân lớn chưa từng có và cũng chưa bao giờ tôi nghĩ đến, từng đoàn người lần lượt rời bỏ “Sài Gòn hoa lệ” với hành trang là tất cả nhọc nhằn nặng trĩu cả thể xác lẫn tâm hồn mang theo trên đường thiên lí về với quê hương.


Trong sự tột cùng của đau khổ cũng phải biến đau thương thành sức mạnh, kiên cường lên, tích cực hóa mọi điều để có có thể đón nhận và chấp nhận sự mất mát, tiếp tục lấy dũng khí dẫu rằng rất khó nhưng nhất định phải tự mình vượt qua.. Vì rằng phía trước chúng ta vẫn còn những người nơi tuyến đầu chống dịch, họ bỏ lại sau lưng trách nhiệm với gia đình, rời xa những người thân của họ, họ hi sinh mọi ước muốn cá nhân của riêng mình lao vào nơi “tâm bão”, thầm lặng hi sinh quên mình để cứu biết bao con người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần ngay giữa lằn sinh tử. Và trong số họ có nhiều người đã ngã xuống cho nhiều người khác được hồi sinh. Là tình cảm giữa người với người, đùm bọc nhau đi qua ngày gian khó.

Biết là đại dịch đem đến mất mát đau thương lắm nỗi nhưng hãy cố mà chấp nhận để biết sống tích cực hơn, biết trân quý hơn nhau hơn. Hãy yêu thương nhau khi còn có thể, sống trọn vẹn trong mỗi phút giây, sống ý nghĩa trong từng hơi thở. Cầu mong đại dịch sẽ đi qua nhanh, trả lại sự an yên cho người người nhà nhà, trả lại cho Sài Gòn những gì vốn có – Thành phố của mưa nắng hai mùa. Trả lại cho Việt Nam một ngày nắng đẹp rộn tiếng chào hỏi thăm nhau mà không cần giãn cách…

Quay về với thực tại, đến thời điểm này, cả nước chúng ta đã có 23.476 đồng bào đã ra đi buốt nát cõi lòng, trong đó có hơn 17.000 người ở Sài Gòn thiệt mạng trong đau xót giữa làn sóng thứ tư kinh hoàng. Ngày 19 tháng 11 vừa qua, Sài Gòn cùng cả nước tưởng niệm những đồng bào qua đời vì dịch bệnh quái ác Covid-19. Tưởng niệm những đồng bào đã khuất là dịp để cả những người còn sống cảm thấy bản thân mình đang thực sự may mắn khi chúng ta còn được sống, được nhìn thấy gia đình, nhìn thấy người thân. Điều đó còn gì hạnh phúc hơn!? Nhìn về quá khứ đau thương để nhắc nhở mỗi một bản thân ta sống cuộc đời có ích hơn nữa cho gia đình và xã hội.


Ngày hôm qua! Ngày hôm nay! Đã mất mát nhiều rồi! Nếu muốn khóc thì xin hãy khóc đi cho nhẹ nhàng đôi chút. Rồi sau đó hãy gạt nước mắt, hãy lau khô những vết thương đau tận đáy tâm hồn, hãy mạnh mẽ kiên cường cùng dìu nhau qua mất mát, đau thương. Xin thắp lên một ngón nến thơm, một nén hương lòng để dâng lên những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã nằm xuống, xin một lần cúi đầu chào tiễn biệt những người con của quê hương đã ngủ yên mãi mãi. Xin được một lần sống chậm, một lần được lắng đọng, gột rửa, soi xét tâm hồn mình trong cái tĩnh lặng nhưng luôn chuyển động bao nỗi tâm tư của mỗi phận người trong hang cùng ngõ hẻm. Chậm lại một chút nữa thôi để biết yêu thương, biết bao dung hơn với người với đời. Cùng dìu nhau qua ngày tim vỡ, thương đau để thấy cuộc đời còn nhiều điều ý nghĩa và mong rằng không ai bị bỏ lại phía sau. ĐẠI DỊCH dù có bao lâu rồi cũng sẽ qua đi nhưng TÌNH NGƯỜI luôn còn mãi!

Những chùm ảnh nhiều cảm xúc:





Ảnh:  Ngô Trần Hải An, Vu Khoa.

   
0 bình luận     0 lượt thích

Thành viên mới