Liên hệ
Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG VIETPRO
Địa chỉ: 80 Đường 14, KĐT Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313298472 do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 10/06/2015
Điện thoại: 093.992.00.88
Email: truyenthongcongty@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Thu Hà
Giấy phép thiết lập Mạng xã hội số 257/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/06/2020
bộ Công thương, 5h30
Kỳ Hoa Kỳ Hoa
06/09/2023 15:10

Chạy bộ cộng đồng, sức mạnh quốc gia

Có một môn thể thao đang thu hút nhiều người tham gia hiện nay chính là chạy bộ. Nếu như bóng đá, chỉ có người đá, người xem, thì chạy bộ ai cũng có thể là vận động viên, vừa là khán giả. Chạy bộ, khởi đầu của mọi sự vận động. 

Người Việt yêu chạy bộ

Trong 3 năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch covid, con người quan tâm đến sức khoẻ một cách thực chất. Trước đây, dậy sớm, tập thể dục dành cho những người có tuổi, thì hiện nay, tầng lớp thanh niên cũng bắt đầu ngủ đúng giờ, dậy sớm, xỏ giày ra đường, công viên chạy bộ. Không ít “tay chơi” trong làng tennis, golf… bớt thời gian ở môn sở trường chuyển qua chạy bộ. 

Sau Covid-19, nhiều người bắt đầu ngủ đúng giờ, dậy sớm, xỏ giày ra đường, công viên chạy bộ

Tôi cũng từ một người không thể dậy sớm, thì nay luôn thức dậy trước bình minh, từng lười đi bộ dù vài chục mét thì nay có thể chạy được vài chục kilomet. Nhiều người từng béo phì, ít vận động như tôi nay đã thay đổi rõ rệt nhờ chạy. Không ít người “nghiện” chạy, mà cách gọi đơn giản là “sụp hố”. 

Chạy bộ trở thành phong trào, thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Nhiều câu lạc bộ, đội nhóm chạy bộ hình thành ở khắp mọi nơi. Các giải phong trào chạy cự ly ngắn 1.500 – 3.000m giờ chỉ dành cho trẻ em – run kids, còn thanh niên, trung niên, thậm chí người lớn tuổi đã quen với các cự ly 5-10-21-42km. 

Nếu trước đây, những cự ly half marathon (21,1km  – HM), full marathon (42,195km – FM), siêu dài, chạy địa hình hiếm người Việt tham gia mà chủ yếu là chân chạy nước ngoài muốn khám phá các cung đường nước ta thì hiện nay, chân chạy phong trào Việt Nam chiếm số đông. Điều đó cho thấy tầm vóc, thể trạng người Việt thay đổi rất nhiều qua chạy bộ. 

Chạy bộ ai cũng có thể là vận động viên, vừa là khán giả

Chúng ta tự hào có những con người chạy bộ xuyên Việt như dị nhân Marathon Nguyễn Văn Long (38 tuổi, quê Gia Lai). Tháng 4/2022, Long một mình chạy bộ từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến mũi Cà Mau trong 31 ngày liên tục với hành trình 2.846km, trung bình 90km/ngày. 

Đầu năm 2023, 10 runner phong trào hàng đầu Việt Nam đã thực hiện Hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt từ cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) đến mũi Cà Mau. 

Hay mới đây nhất, làng marathon Việt Nam “chấn động” bởi Nguyễn Đăng Hiếu, chạy 230,4km trong 24h. Đây là thành tích chạy trong 24h được ghi nhận tốt nhất Đông Nam Á. 

Chính các cá nhân trên đã tạo nguồn cảm hứng cho phong trào chạy bộ ở Việt Nam nở rộ trong thời gian qua. 

Chạy bộ cộng đồng, sức mạnh quốc gia

Trong bản đồ chạy bộ thế giới, thống trị cự ly 42,195km hiện nay là các runner đến từ Kenya. Tuy nhiên, đất nước có số lượng nhiều người chạy nhanh ở cự ly 10km trở lên phải nói đến Nhật Bản. 

Thái độ tập luyện chạy bộ mỗi ngày thể hiện tính kỷ luật, sự làm chủ bản thân của một cá nhân

Nhớ lần đầu tiên đến đất nước mặt trời mọc, tôi rất ngạc nhiên khi người Nhật Bản không đi mà toàn chạy bộ. Đi bộ thường có pace (tốc độ trung bình) 10-14 phút/km thì người Nhật đi ở pace 8-10, bằng với chạy bình thường. Ngay ở khu vực tàu điện ngầm, cả hàng ngàn con người nhưng họ đều di chuyển rất nhanh, có định hướng, không hề va chạm, không có sự mệt mỏi. Những lối đi bộ lên hàng trăm bậc tam cấp, trong khi chúng ta thở dốc, chậm rãi nhích từng bước thì người Nhật nhảy lên thoăn thoắt. Tôi hỏi người bạn Nhật sao mà đi bộ cũng phải hấp tấp như vậy thì được trả lời: “Tác phong công nghiệp”. 

Có thể chính văn hoá di chuyển, tác phong công nghiệp đã làm nên một cộng đồng người luôn vận động, một đất nước yêu chạy bộ. Cũng là để giải thích vì sao Nhật Bản phát triển nhanh và có số lượng người chạy bộ cự ly dài tốt nhất thế giới. Riêng bảng xếp hạng 1.000 VĐV marathon, tinh thần Olympic giúp Nhật Bản xếp thứ 3 thế giới sau Kenya và Ethiopia. 

Ở Mỹ, môn thể thao phổ biến nhất là bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, khúc quân cầu, quần vợt… nhưng nếu hỏi rằng, môn thể thao nào được nhiều người Mỹ chơi nhất, câu trở lời sẽ là chạy bộ. 

Ở nhiều quốc gia, hay nhiều cá nhân, họ xem chạy bộ như một lối sinh hoạt hàng ngày. Với người Nhật, kể từ thế chiến thứ 2, marathon được xem như hoạt động mang tinh thần kỷ luật, sự nỗ lực vươn lên. Do đó, không hề ngẫu nhiên khi liên tưởng thái độ tập luyện chạy bộ mỗi ngày thể hiện tính kỷ luật, sự làm chủ bản thân của một cá nhân; số lượng giải chạy marathon với trình độ phát triển kinh tế, văn hoá của một quốc gia. 

Chạy bộ – khởi đầu của mọi sự khởi đầu

Trở lại với câu chuyện chạy bộ trong nước, những năm qua, ghi nhận có nhiều chân chạy người Việt đạt các thứ hạng cao ở các giải quốc tế như Chi Nguyễn, Thanh Vũ… Hay mới đây nhất (ngày 6/8), dị nhân marathon Nguyễn Văn Long đã đạt hạng nhất chung cuộc cự ly FM tại Campuchia. 

Những cá nhân này tạo cảm hứng chạy bộ hay đơn giản là dậy sớm tập thể dục cho nhiều người. 

Marathon được xem như hoạt động mang tinh thần kỷ luật, sự nỗ lực vươn lên

Ở Việt Nam hiện nay, chạy bộ trở thành phong trào lan toả mạnh trong cộng đồng. Đơn vị tổ chức, runner đều có thể kiếm tiền từ chạy bộ. Tuần nào cũng có giải. Nếu không giải lớn quy mô 5-10 ngàn người thì giải từ 1-2 ngàn người cũng đủ khoả lấp cơn “nghiện chạy” của nhiều người. Như ngày 30/7, riêng tại TPHCM có đến 4 giải: Run To Heart, Củ Chi City Trail, Run As One, Dream Cup. Trong hàng ngàn con người đó, số ít là “săn giải”, còn lại đa phần là chạy cho vui, khoẻ, chạy vì cộng đồng.

Một cảm nhận chung của những người chạy bộ đó chính là cải thiện sức khoẻ rõ rệt, chí ít là không phải “lận lưng” thuốc cảm. Hắc hơi, sổ mũi đều có thể vượt qua nhẹ nhàng. Nhiều người cải thiện được cân nặng, chữa được béo phì, giảm stress, suy nghĩ – hành động tích cực… cũng nhờ chạy bộ. 

Ở góc độ cộng đồng, rất nhiều người tham gia giải chạy để kêu gọi, đóng góp thiện nguyện. Nhiều quỹ có nguồn thu từ sự đóng góp của các giải chạy là rất lớn và nhiều mảnh đời khó khăn được thay đổi. 

Và quan trọng, thể trạng của người Việt, “sức đề kháng cộng đồng” có những tiến bộ vượt bậc từ thói quen chạy bộ mỗi ngày. Nếu trước đây, cầu thủ Việt Nam ra sân thi đấu không chỉ lép vế hơn đội bạn về thể hình, mà còn yếu hẳn thể lực. Thế hệ vàng bóng đá Việt Nam thời Huỳnh Đức, Hồng Sơn, đá với Thái Lan rất tốt nhưng chỉ ở hiệp 1 hoặc cùng lắm đến phút 70 là… hụt hơi. 

Chạy bộ, khởi đầu của mọi sự vận động

Nay dù bóng đá Việt Nam sang trang mới, nhất là bóng đá nữ được vào World Cup 2023, thế nhưng, nhìn những Huỳnh Như, Thanh Nhã… đương đầu với “gã khổng lồ” – đội tuyển nữ Mỹ, chúng ta cũng có nhiều trăn trở về thể trạng người Việt. 

Không chỉ qua lăng kính bóng đá, ở góc độ sức khoẻ sinh sản, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại. Ngày xưa khó khăn chồng chất, cơ địa người phụ nữ có thể sinh đẻ kiểu “hết trứng mới thôi”. Ngày nay, nhiều người không dám đẻ chỉ đơn giản vì… “sức khoẻ không cho phép”. Không thể đổ lỗi cho cuộc sống hiện đại, sức khoẻ đi xuống mà đó là nề nếp sinh hoạt, sự kỷ luật của bản thân.

Khát vọng lớn chỉ thành hiện thực khi được nuôi dưỡng trong một cơ thể khoẻ mạnh. Nhân tài không chỉ có ở phố. Do đó, muốn nâng tầm vóc Việt, phải bắt đầu từ sức khoẻ cộng đồng. Chạy bộ có thể là khởi đầu của mọi sự khởi đầu, đơn giản, bao quát nhất. 

Ngô Công Quang

(Nhà sáng lập Cộng đồng 5h30 – Vui khoẻ mỗi ngày)

Bài viết đã đăng trên báo Thanh Niên số đặc biệt chào mừng Quốc Khánh 

   
0 bình luận     0 lượt thích

Thành viên mới