Liên hệ
Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG VIETPRO
Địa chỉ: 80 Đường 14, KĐT Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: 0313298472 do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 10/06/2015
Điện thoại: 093.992.00.88
Email: truyenthongcongty@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Thu Hà
Giấy phép thiết lập Mạng xã hội số 257/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/06/2020
bộ Công thương, 5h30
Linh Linh
27/05/2022 10:34

5 loại chấn thương khớp vai do chơi thể thao phổ biến nhất

Đau khớp vai có thể xảy ra do chấn thương khớp vai khi tập luyện thể thao, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương vùng xương khớp và cơ vai này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như cứng khớp, teo cơ, mất/giảm chức năng khớp vai gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh.

BSCKI. Lê Thị Ngọc Diệp, bác sĩ điều trị Đơn vị Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức chia sẻ về các chấn thương khớp vai thường gặp

Có 5 loại chấn thương khớp vai phổ biến nhất bao gồm:

1. Trật khớp, giãn dây chằng

Trật khớp (cùng đòn) xảy ra khi đầu ngoài xương đòn bị bật ra khỏi vị trí tiếp khớp bình thường với mỏm cùng vai, thường do cơ chế ngã đập vai xuống nền cứng hoặc chống tay.

Khi chấn thương té ngã, các khớp cùng – đòn, ổ chảo – cánh tay cũng rất dễ bị giãn hoặc trật ra do hệ thống dây chằng bao khớp không còn vững chắc. Nếu điều trị không đúng và không đủ thời gian, khả năng trật đi trật lại rất cao, làm yếu khớp vai.

Khi bị trật khớp vùng vai, người bệnh cảm thấy đau dữ dội, sưng/bầm tím vùng vai, có thể lan xuống cánh tay. Đồng thời, khớp vai không di chuyển được như bình thường. Nếu trật khớp nặng, xung quanh vùng khớp tổn thương sẽ bị biến dạng, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

2. Gãy, nứt xương

Tình trạng gãy hay nứt xương đòn, xương cánh tay,… xảy ra khi té ngã đập vai hay chống tay. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội, đồng thời có dấu hiệu bầm tím xung quanh vùng chấn thương. Nếu xương đòn bị gãy, vai có thể chảy xệ và không thể nhấc cánh tay lên.

 3. Tổn thương sụn viền khớp vai

Tổn thương sụn viền khớp vai gồm hai tổn thương là tổn thương sụn viền trên (tổn thương SLAP), và tổn thương sụn viền trước (tổn thương Bankart), là một trong các chấn thương thể thao thường gặp. Sụn viền là cấu trúc sụn – sợi nằm ở rìa ổ chảo xương bả vai, có tác dụng làm sâu thêm ổ chảo, tăng mặt tiếp xúc giữa chỏm và ổ chảo. Sụn viền có thể bị tổn thương do các chấn thương ở khớp vai hay thoái hóa theo tuổi tác.

Triệu chứng của tổn thương sụn viền tương tự như các chấn thương ở khớp, xương vai khác. Người bệnh sẽ cảm thấy đau (dữ dội hoặc ê ẩm tùy mức độ tổn thương) lan xuống vùng cánh tay/cẳng tay, giảm vận động, khớp vai phát tiếng lạo xạo khi cử động vai

Đau khớp vai có thể xảy ra do chấn thương khớp vai khi tập luyện thể thao, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng

4. Viêm, rách gân cơ chóp xoay (Hội chứng Rotator Cuff)

Hội chứng chóp xoay (Rotator Cuff) đề cập đến tình trạng chấn thương xảy ra ở nhóm gân cơ chóp xoay, phổ biến nhất là rách gân. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của hội chứng này là đau và nhức vai, đặc biệt là vào ban đêm; khó nằm nghiêng về phía bên vai bị tổn thương, vai yếu dần và không còn linh hoạt như bình thường.

Hội chứng này thường gặp ở các môn cầu lông, tennis, bơi thuyền, golf, bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng ném, ném lao,…

5. Chấn thương phần mềm, tụ máu bầm

Đây là tổn thương cơ, hay mô dưới da do đụng dập, va chạm. Các chấn thương này thường xảy ra khi người bệnh chơi quá sức, khởi động không kỹ, thể lực cơ bắp không đủ, hoặc cơ thể không được khỏe khi chơi, kỹ thuật không đúng ở những động tác giơ tay quá đầu hay xoay vai như: cú xoẹt, đập bóng hay rờ-ve trong tennis, cú đập cầu, đánh bổng trong cầu lông, giao bóng hay đập bóng trong bóng chuyền, cử nâng hay giật tạ,…

Khi bị đau vai, hãy bình tĩnh nghỉ ngơi và chườm lạnh vùng bị thương trong vài ngày, nếu tình trạng không thuyên giảm cần đến gặp bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp. Tuy nhiên, nếu khớp vai trông như bị biến dạng, không thể sử dụng vai trong mọi hoạt động dù là đơn giản nhất, đau dữ dội vùng vai, vai bị sưng đột ngột, cánh tay hoặc bàn tay bị yếu, tê cứng thì có lẽ tổn thương đã ở mức độ trung bình đến nặng, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.

Bài viết được cung cấp bởi BSCKI. Lê Thị Ngọc Diệp, bác sĩ điều trị Đơn vị Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.

Nguồn: hoanmythuduc.com

   
0 bình luận     0 lượt thích

Thành viên mới